Để duy trì chất lượng và giữ nguyên dinh dưỡng của sữa mẹ sau khi hút, mẹ cần tuân thủ cách bảo quản sữa mẹ an toàn, đúng cách dưới đây để mẹ an tâm, bé khỏe mạnh. 

Bảo Quản Sữa Mẹ Trong Tủ Lạnh

Vệ sinh luôn là yếu tố hàng đầu trong việc bảo quản sữa mẹ ngay từ giai đoạn hút sữa. Do đó, mẹ nên lưu ý rửa tay thật kỹ bằng xà phòng và nước, vệ sinh sạch sẽ các dụng cụ hút và trữ sữa trước khi hút sữa. Lau sạch đầu vú trước khi vắt và chườm khăn ấm lên bầu vú khoảng 2 phút trước khi hút sữa mẹ.

Sau khi hút sữa xong mẹ nên bảo quản trong túi nhựa trữ sữa chuyên dụng hoặc bình sữa sạch có nắp đậy kín làm bằng thủy tinh hoặc nhựa. Mẹ nhớ lưu ý không lưu trữ sữa mẹ trong các chai nhựa có chứa BPA, các chai dùng một lần hoặc túi nhựa thông thường, không dành riêng để chứa sữa mẹ nhé!

Mẹ nên cất sữa đã hút vào tủ lạnh ngay khi có thể. Nếu không thể, hãy để sữa ở nhiệt độ phòng khoảng 26°C nhưng lưu ý là chỉ để trong vòng 6 giờ. Tránh xa những nơi có bức xạ, ánh nắng mặt trời hoặc các nguồn nhiệt khác.

Sữa sẽ tinh khiết ở trạng thái đông. Khi đông lạnh sữa mẹ cần chừa một khoảng không gian, không đổ đầy bình đựng vì sữa nở ra khi đóng băng. Sữa có thể trữ trong vòng từ 1 – 2 tuần khi được trữ trong tủ lạnh cửa đơn, tối đa 4 tháng khi trữ trong tủ lạnh hai cửa có phun sương và 6 tháng trong loại tủ lạnh chuyên dụng luôn duy trì mức nhiệt là -18° C.

Xem ngay:  Trẻ bị đau bụng nôn không sốt không đi ngoài phải làm sao?

Mẹ nên chia sữa thành các túi nhỏ với dung tích từ 80 – 120 ml để giảm thiểu thời gian làm lạnh và khi rã đông sữa cũng nhanh hơn.

Trong trường hợp bị cúp điện trong thời gian dài, mẹ nên lấy các túi sữa đã trữ đông xếp vào thùng cách nhiệt cùng với đá viên.

Hướng dẫn rã đông và hâm nóng sữa mẹ

Khi rã đông sữa, mẹ nên tuân thủ nguyên tắc vào trước, ra trước (first in, first out), nghĩa là luôn rã đông trước sữa có ngày vắt lâu nhất ghi trên nhãn vì theo thời gian chất lượng sữa mẹ có thể giảm.

Không nên rã đông sữa ở nhiệt độ phòng vì làm thế sẽ khiến vi khuẩn trong sữa tăng lên. Để rã đông sữa, mẹ có thể sử dụng máy hâm sữa. Lưu ý hâm sữa từ từ, không thay đổi nhiệt độ sữa đột ngột làm biến chất các chất dinh dưỡng trong sữa. Nếu không có máy hâm sữa, mẹ có thể hấp cách thủy hoặc xả nước ấm làm ấm chai sữa từ từ, sau đó mới tăng nhiệt độ của nước lên cho tới khi nhiệt độ sữa phù hợp.

Mẹ tuyệt đối không rã đông hoặc làm nóng sữa mẹ trong lò vi sóng nhé! Bởi nhiệt độ cao và vi sóng có thể phá hủy các chất dinh dưỡng, enzyme và kháng thể miễn dịch của sữa mẹ, ngoài ra còn làm bỏng miệng bé do các phần nóng lạnh không đều.

Xem ngay:  Mẹ Việt bày cách trị chấy cho bé đạt hiệu quả tức thì

Ngoài ra, sau thời gian bảo quản sữa mẹ trong tủ lạnh có thể xuất hiện hiện tượng phân tách lớp. Khi đó, mẹ nên lắc nhẹ bình sữa để phần váng sữa và sữa trộn lẫn với nhau. Đừng lắc quá mạnh vì sẽ làm phân hủy một số chất dinh dưỡng có giá trị có trong sữa.

Khi sữa mẹ rã đông trở về nhiệt độ phòng hoặc được làm ấm sau thời gian lưu trữ, mẹ nên cho con sử dụng trong vòng 2 giờ, sau 2 giờ mẹ không nên cho bé sử dụng sữa này nữa. Mẹ cũng nhớ không trữ đông sữa mẹ lần nữa sau khi đã rã đông nhé!

Cách bảo quản sữa mẹ an toàn, khoa học mẹ cần nhớ! - Ảnh 2

Nên cho bé bú sữa trong vòng 2 giờ sau khi rã đông

Thông thường, sữa trữ lạnh sau khi rã đông sử dụng có thể có màu khác so với sữa tươi vừa vắt ra. Màu sữa có thể là hơi vàng, hơi xanh hoặc nâu nhẹ, phụ thuộc nhiều vào chế độ ăn của người mẹ. Bên cạnh đó, mùi vị cũng khác với sữa mẹ bình thường, nhưng nếu mẹ đã bảo quản sữa mẹ đúng còn thời gian sử dụng thì nó hoàn toàn an toàn đối với bé. Trong trường hợp con tỏ ra không thích, mẹ hãy rút ngắn thời gian bảo quản sữa nhé!

Hy vọng chia sẻ trên đây đã giúp mẹ trả lời được câu hỏi hút sữa xong bảo quản như thế nào? Mẹ sẽ luôn có nguồn sữa đầy đủ, dinh dưỡng và sẵn sàng cung cấp cho con mỗi khi bé đói nhé!