Miếng dán tránh thai hiện đang là lựa chọn được ưu thích của nhiều chị em bởi sự đơn giản, dễ sử dụng và có hiệu quả tránh thai cao. Cùng tìm hiểu ngay những thông tin cơ bản nhất về miếng dán tránh thai qua bài viết sau!
Danh Mục
1. Miếng dán tránh thai là gì?
Miếng dán tránh thai chỉ là một miếng dán mỏng, nhỏ, có kích thước khoảng 4.5 cm2, chứa 2 hormon nội tiết tố tự nhiên của cơ thể là Progestin và Estrogen. Miếng dán này có màu be, được dán trực tiếp lên bắp tay, lưng trên, vùng mông hay bụng.
Những miếng dán này “nhỏ nhưng có võ”, chúng mang lại hiệu quả tránh thai bằng cách ngăn cản sự rụng trứng, thụ tinh ở bên trong tử cung. Ngoài ra, miếng dán tránh thai còn làm đông đặc chất nhầy ở cổ tử cung, khiến tinh trùng khó gặp trứng để thụ tinh.
2. Ưu – nhược điểm của miếng dán tránh thai
Ưu điểm
Những ưu điểm của miếng dán tránh thai khiến người dùng không thể bỏ qua nó:
– Đơn giản, dễ sử dụng, hiệu quả tránh thai cao.
– Giảm được tình trạng quên liều như thuốc tránh thai hàng ngày.
– Ngưng sử dụng miếng dán và sau khoảng 3 chu kỳ kinh nguyệt thì khả năng mang thai, thụ tinh của phái nữ trở lại bình thường.
– Ngoài ra, miếng dán tránh thai còn có các ưu điểm như cải thiện các triệu chứng tiền kinh nguyệt, tiền mãn kinh, giảm mụn trứng cá do khả năng điều hòa nội tiết tố.
Miếng dán tránh thai giúp giảm nguy cơ quên liều như thuốc tránh thai hàng ngày
Nhược điểm
Không thể phủ nhận những ưu điểm, công dụng tuyệt vời của miếng dán tránh thai nhưng chúng có thể gây ra một số tác dụng phụ như:
– Kích ứng nhẹ ở vị trí dán.
– Cương đầu vú, xuất huyết âm đạo, buồn nôn, chướng bụng, đau đầu, tăng cân nhẹ.
– Tăng nguy cơ hình thành cục máu đông, mắc các bệnh lý liên quan đến tim mạch, đặc biệt là ở đối tượng huyết áp cao, tiểu đường, tim mạch, phụ nữ trên 35 tuổi hay người thường xuyên hút thuốc lá.
3. Cách sử dụng miếng dán tránh thai
Sử dụng miếng dán tránh thai theo chu kỳ kinh nguyệt. Sau 1 ngày kể từ khi hết kỳ kinh nguyệt, dán miếng tránh thai lên những vị trí thích hợp như bắp tay, lưng trên hay mông trong suốt 1 tuần sau đó. Bóc miếng dán cũ ra và dán mới ở một vị trí khác ở tuần thứ 2, thứ 3 của chu kỳ kinh. Ngưng dán ở tuần 4 và kinh nguyệt xuất hiện trở lại. Tiếp tục lặp lại quy trình dán miếng tránh thai ở chu kỳ mới.
Có thể dán trực tiếp lên bắp tay, lưng trên, mông hay bụng
Khi dán trên da, cần áp mặt có chứa hoạt chất của miếng dán vào sát da, miết tay trên miếng dán khoảng 10 giây, có thể miết ngón tay dọc theo mép miếng dán để đảm bảo nó được dính chắc trên da.
Nếu là lần đầu tiên sử dụng miếng dán, cần sử dụng thêm phương pháp tránh thai khác trong vòng 7 ngày để ngăn ngừa mang thai ngoài ý muốn.
4. Lưu ý khi sử dụng
Miếng dán tránh thai khá an toàn nhưng vẫn có thể là nguyên nhân gây ra thuyên tắc mạch máu, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim… Trước khi sử dụng chúng, người dùng cần thăm khám tại các bệnh viện, phòng khám uy tín để xác định tình trạng sức khỏe của bản thân và được bác sĩ, chuyên gia y tế tư vấn liệu pháp tránh thai phù hợp.
Đối tượng chống chỉ định tuyệt đối
Không sử dụng miếng dán tránh thai cho các trường hợp sau:
– Phụ nữ mang thai hoặc nghi ngờ mang thai, có kế hoạch mang thai.
– Bà mẹ sau sinh dưới 6 tuần đang cho con bú.
– Người trên 35 tuổi trở lên, thường xuyên hút thuốc lá.
– Người có tiền sử hoặc đang mắc các bệnh liên quan đến tim mạch, huyết áp như suy tim, rối loạn đông máu, thuyên tắc tĩnh mạch, thuyên tắc phổi, bệnh lý van tim,…
– Bệnh nhân suy gan, xơ gan, ung thư gan.
Thận trọng khi dùng miếng dán tránh thai cho các trường hợp sau:
– Người đang dùng thuốc kháng virus, kháng sinh nhóm Rifampicin, thuốc chống động kinh…
– Phụ nữ sau sinh 6 tuần – 6 tháng đang cho con bú hoặc sau sinh dưới 4 tuần nhưng không cho con bú.
– Tiền sử ung thư vú và không tái phát 5 năm trước đó.
– Bệnh nhân rối loạn lipid máu.
Những lưu ý khác
Người dùng cần chú ý một số vấn đề sau khi sử dụng miếng dán tránh thai:
– Không sử dụng đồng thời miếng dán và thuốc uống tránh thai.
– Không bóc ra dán lại nhiều lần.
– Miếng dán tránh thai không có công dụng ngăn ngừa các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, nếu bạn tình mắc các bệnh như viêm gan B, bệnh lậu, HIV… cần sử dụng thêm bao cao su.
Miếng dán tránh thai không có tác dụng ngăn ngừa bệnh lây qua đường tình dục
– Trường hợp dùng miếng dán tránh thai lần đầu, phải dùng thêm biện pháp tránh thai hỗ trợ khác trong 7 ngày đầu để ngừa thai hiệu quả.
– Nếu bắt đầu sử dụng miếng dán vào ngày đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt thì không cần thêm biện pháp tránh thai khác. Tuy nhiên nếu bắt đầu dán sau ngày đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt, cần áp dụng thêm các biện pháp tránh thai hỗ trợ khác không phải là biện pháp nội tiết (không dùng thuốc) trong 7 ngày liên tiếp.
– Trương hợp sau sinh có nhu cầu sử dụng miếng dán, có thể bắt đầu dùng sớm nhất là 4 tuần sau khi sinh nếu không cho con bú.
– Nếu bị rong huyết do dùng miếng dán, vẫn nên tiếp tục sử dụng do tình trạng này thường mất đi sau một vài chu kỳ kinh. Nếu rong huyết kéo dài, người dùng nên đi khám bác sĩ để xác định nguyên nhân và có biện pháp điều trị kịp thời.
Trên đâu là những thông tin cơ bản về miếng dán tránh thai. Mong rằng qua bài viết này, phái đẹp sẽ có những kiến thức cơ bản nhất về giải pháp tránh thai này, từ đó lựa chọn được cho mình biện pháp tránh thai hiệu quả, phù hợp nhất.