Trị nghẹt mũi cho bé bằng tỏi là mẹo dân gian được nhiều mẹ truyền tai nhau. Bởi không chỉ là gia vị, tỏi còn là vị thuốc sở hữu nhiều tác dụng với sức khỏe. Tuy nhiên, dùng tỏi chữa nghẹt mũi liệu có an toàn không? Cùng tìm hiểu bài viết dưới đây nhé!
Cách trị nghẹt mũi cho bé bằng tỏi
Nghẹt mũi là tình trạng thường gặp ở trẻ, đặc biệt là trẻ sơ sinh. Do hệ miễn dịch còn non yếu nên chỉ một tác động nhỏ như thời tiết thay đổi cũng có thể khiến trẻ bị nghẹt mũi. Nhìn chung. phần lớn trẻ bị nghẹt mũi không đáng lo ngại. Chúng hoàn toàn có thể tự khỏi nếu như được chăm sóc đúng cách.
Trị ngạt mũi cho bé bằng tỏi là một trong những cách được sử dụng phổ biến. Nguyên liệu dễ kiếm, cách làm đơn giản là những yếu tố khiến phương pháp này được các mẹ ưa chuộng. Nếu như tra cứu trên mạng internet, không khó để thấy các bài viết hướng dẫn cách trị nghẹt mũi cho bé bằng tỏi. Trong đó, phương pháp nhỏ nước tỏi vào muối là phổ biến nhất. Cách làm bao gồm những bước sau:
- Bước 1: Chuẩn bị 2 – 3 tép tỏi và dung dịch nước muối sinh lý loại Nacl 0.9%
- Bước 2: Tỏi bóc vỏ, đem băm nhuyễn rồi ngâm vào trong dung dịch nước muối sinh lý khoảng 2 tiếng
- Bước 3: Nhỏ dung dịch tỏi từ từ vào mỗi bên mũi
- Bước 4: Đợi 2 – 3 phút để nước tỏi thẩm thấu làm loãng dịch rồi lấy dụng cụ hút mũi để lấy hết chúng
- Bước 5: Lập lại các bước như trên cho tới khi mũi bé cảm thấy thoáng và giảm dần tình trạng nghẹt mũi
Lưu ý: Áp dụng 2 – 3 lần mỗi tuần để thấy hiệu quả rõ rệt. Tốt nhất nên nhỏ mũi bằng tỏi cho bé trước khi ăn hoặc trước khi chuẩn bị đi ngủ.
Trị nghẹt mũi cho bé bằng tỏi có an toàn không?
Tỏi là gia vị, đồng thời là vị thuốc lâu đời. Tỏi có vị cay, tính ôn, có khả năng kích thích tiêu hóa, sát khuẩn, trừ đờm, giải độc, diệt trừ giun. Trong đông y, tỏi được dùng để chữa các bệnh như viêm đường hô hấp, tăng cholesterol trong máu, tăng huyết áp, viêm âm đạo, tiêu hóa kém, lị, chữa tả,…
Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy tỏi có thể phòng ngừa và điều trị cúm. Tỏi cũng có hiệu quả trong điều trị ho, long đờm, khàn tiếng. Trong dân gian Việt Nam, người ta thường dã tỏi, vắt lấy nước để nhỏ mũi hoặc pha vào nước ấm để xông mũi. Tuy nhiên, hiện nay chưa có bất kỳ công trình nghiên cứu đưa ra quy trình điều trị hiệu quả và định lượng phù hợp. Hơn nữa, dùng nước cốt tỏi nhỏ trực tiếp vào mũi có thể gây tổn thương niêm mạc mũi, gây bỏng rát. Tỏi vốn có vị cay, trong khi đó niêm mạc mũi của bé lại mỏng và nhạy cảm. Vì vậy, cha mẹ tuyệt đối không nên tự ý nhỏ nước tỏi vào mũi bé khi bị nghẹt mũi, sổ mũi.
Với thắc mắc “trị nghẹt mũi cho bé bằng tỏi có được không?”, câu trả lời sẽ là KHÔNG. Thay vào đó, cha mẹ nên áp dụng các biện pháp chăm sóc khác như rửa mũi bằng nước muối sinh lý, tắm nước ấm, massage mũi,…
Các cách chăm sóc trẻ bị nghẹt mũi hiệu quả
Dưới đây là một số mẹo an toàn giúp hỗ trợ điều trị chứng nghẹt mũi cho bé hiệu quả, các mẹ cùng tham khảo nhé!
Rửa mũi bằng nước muối sinh lý
Nước muối sinh lý 0.9% có khả năng làm sạch bụi bẩn, tiêu diệt vi khuẩn, virus giúp ngăn ngừa các tác nhân gây bệnh tấn công khoang mũi của trẻ. Ngoài ra, nước muối sinh còn có thể làm loãng dịch mũi, giúp dịch nhầy dễ dàng đào thải ra ngoài. Từ đó giảm tình trạng nghẹt mũi, giúp bé ăn ngon và ngủ sâu giấc hơn.
Để thực hiện, mẹ cần mua dung dịch nước muối sinh lý ngoài tiệm thuốc tây. Đặt bé nằm ngửa, nhỏ mỗi bên mũi 2 – 3 giọt dung dịch. Nên thực hiện trước khi bé bú và đi ngủ. Lưu ý: Mẹ không nên lạm dụng phương pháp này, bởi nếu nhỏ liên tục có thể khiến bé bị khô mũi, dễ gây tổn thương niêm mạc.
Tắm nước ấm
Thay vì trị nghẹt mũi cho bé bằng tỏi, mẹ hãy áp dụng phương pháp tắm nước ấm. Hơi nước ấm giúp làm lỏng dịch nhầy ứ đọng tại mũi. Qua đó cho bé hô hấp dễ dàng hơn. Trong quá trình tắm, mẹ nên trò chuyện, hát để bé cảm thấy vui vẻ và thoải mái hơn. Sau khi tắm xong, cần lau khô người và mặc quần áo cho bé ngay để tránh bị nhiễm lạnh.
Massage mũi
Massage cánh mũi được thực hiện sau khi nhỏ nước muối sinh lý. Mẹ dùng ngón tay cái và ngón trỏ nhẹ nhàng massage 2 bên cánh mũi. Thực hiện nhiều lần sẽ giúp đường thở được thông thoáng hơn, giảm tình trạng nghẹt mũi ở trẻ sơ sinh.
Sử dụng máy làm ẩm không khí
Máy làm ẩm không khí có tác dụng làm ẩm lỗ mũi, tránh khô rát, từ đó làm hạn chế tổn thương khiến niêm mạc bị sưng, đau. Máy nên được sử dụng trong mùa đông, khi thời tiết hanh khô hoặc khi bật điều hòa vào mùa hè.